VII - ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH
VII - ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH (Êp. 5:18)
Đức Thánh Linh có thân vị, ngôi thứ ba trong 3 ngôi của Đức Chúa Trời. Từ buổi sáng thế Đức Thánh Linh hiện hữu là Thần của Đức Chúa Trời. Khi sáng tạo nên con người, Đức Chúa Trời hà hơi ban cho con người có sanh Linh, Thần Đức Chúa Trời ở trong con người. Nhưng khi con người phạm tội Thần Đức Chúa Trời không còn ở trong con người nữa. ( Sáng 6:3) Từ thời gian đó Đức Thánh Linh dẫn dắt các thánh tổ khi họ lập bàn thờ cầu khẩn Chúa Hằng Hữu. Đến thời các quan xét và các tiên tri, Đức Thánh Linh có công vụ cảm động, ban lời tiên tri trong thời điểm nhất định để các vị tiên tri nói ra ý muốn của Đức Chúa Trời và thực hành những phép lạ như thời tiên tri Ê Li và Ê Li Sê…(II Các vua 2:9). Dầu vậy Đức Thánh Linh không thường cư trú trong tâm linh của các tiên tri trong thời cựu ước. Cho đến thời kỳ tân ước, Đức Thánh Linh đã hành động trong chức vụ của Chúa Jesus. (Lu-ca 4:14) Và sau khi Chúa thăng thiên về trời, Đức Chúa Jesus sai Đức Thánh Linh ở trong những người tin nhận Chúa Jesus. (Công vụ 1:8). Thân thể của Cơ Đốc Nhân là đền thờ Đức Thánh Linh ngự. Vì giá trị của những người tin Chúa Jesus, được thánh sạch bởi huyết của Chúa cho nên tâm linh của Cơ Đốc Nhân có sự hiện diện của Đức Thánh Linh khi họ tin Chúa. ( Galati 3:14). Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời và là hiện thân của Chúa Jesus trong cơ Đốc Nhân. Dầu vậy, có Đức Thánh Linh trong tâm linh và đầy dẫy Đức Thánh Linh là 2 vấn đề khác nhau.
Mạng lệnh của Chúa trước khi Ngài về trời là: "Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người", “đi môn đệ hoá muôn dân” "Các ngươi sẽ làm chứng mọi việc đó..." (Lu ca 24:48). Nhưng Chúa không cho họ đi ra nếu họ không được đầu dẫy Đức Thánh Linh. Ngài phán: "Hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao" (Lu ca 24:49). Điều quan trọng tiên quyết của một chứng nhân nuốn làm chứng cho Chúa Jesus là phải được ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH.
"Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về Ta..." (Công vụ 1:8). Đức Chúa Trời biết chúng ta yếu đuối, sức người chẳng có thể đối địch lại với ma quỉ, cho nên Ngài ban Đức Thánh Linh là quyền năng của Ngài ở trong chúng ta, chính Đức Thánh Linh sẽ làm công việc của Ngài qua chúng ta. "Ai tin sẽ làm công việc của Ta làm và làm việc lớn hơn nữa" (Giăng 14:12). Việc làm của Chúa Jesus làm không phải bởi xác thịt, năng lực của loài người làm được nhưng bởi Đức Thánh Linh. Không ai có thể làm công việc của Chúa Jesus làm nếu không bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Vâng Chính Đức Thánh Linh ở trong Cơ Đốc Nhân, chính Ngài sẽ giúp chúng ta làm những việc phi thường để chinh phục tội nhân. Ngài ban cho chúng ta Thánh Linh, để chúng ta có quyền năng làm những việc Chúa Jesus làm, Ngài đòi hỏi chúng ta phải được đầy dẫy chính Thánh Linh. “Đừng say rượu vì rượu xui cho luông tuồng. Nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Như thế nào là đầy dẫy Đức Thánh Linh?
Có một hình ảnh làm ví dụ cho chúng ta dễ hiểu; Khi chúng ta bỏ một thỏi sắt vào trong lửa, sau một thời gian, chúng ta nhìn thấy nó không còn là thỏi sắt nữa mà là một cục lửa. LỬA Ở TRONG SẮT, SẮT Ở TRONG LỬA. Đầy dẫy Đức Thánh Linh cũng giống như vậy. Đó là chúng ta được Đức Thánh Linh chiếm hữu hoàn toàn. Thánh Linh lãnh đạo toàn diện con người của chúng ta. "Tôi sống, không phải là tôi sống nữa nhưng Đấng Christ sống trong tôi" (Ga la ti 2:20).
Để được như vậy chúng ta phải có những nguyên tắc sau:
1) Luôn khao khát sự đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Chúa Jêsus phán:"Nếu người nào khát, hãy đến cùng Ta mà uống. Kẻ nào tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình.Ngài phán điều đó chỉ về Thánh Linh"(Giăng7:37-39). Khao khát là điều kiện để được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Chúng ta phải cảm biết sự yếu đuối, bất lực của mình và cần có Ngài trong từng giây phút. Đa vít nói: "Linh hồn tôi mơ ước Chúa như con nai cái thèm khát khe nước" (Thi thiên 42:1). Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh chỉ đến với người cảm biết mình thiếu thốn, chứ không bao giờ đến với người kiêu ngạo. Đức Thánh Linh sẽ không hành động nếu một người luôn tự cho mình là đầy dẫy Đức Thánh Linh .Nhưng nếu chúng ta bước đi trong sự khao khát thì Chúa sẽ hành động.
Người luôn khao khát Chúa hành động là người luôn cầu nguyện, sự cầu nguyện, nương cậy nơi Thánh Linh là điều kiện để cho Đức Thánh Linh hành động, đó là một đời sống “Cầu nguyện không thôi’’. (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). “nếu các ngươi là người xấu lại biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho những người nào xin Ngài sao?”(Lu-ca 11:13)
Phao lô là người có đủ những yếu tố để hãnh diện, khoe mình về học thức, danh vọng . Nhưng ông luôn cảm biết mình là yếu đuối, ông nói: "Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi" (II. Cô-rinh-tô 12:9). Vậy, chúng ta hãy luôn luôn khao khát và cầu nguyện thì Chúa sẽ làm cho đầy dẫy chính mình Ngài trên chúng ta.
Hội Thánh đầu tiên cầu nguyện để được đầy dẫy Đức Thánh Linh (Công vụ 1:14, 4:51). Sự cầu nguyện là sự sống của Hội Thánh đầu tiên.‘‘Còn chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo.’’(Công vụ 6:4). Đức Thánh Linh chỉ hành động, ban quyền năng trên những người khao khát Ngài, cần sự hành động của Ngài. Dù rằng, Đức Thánh Linh đã hiện diện trong những người tin nhận Chúa Jesus, nhưng người có Thánh Linh và người được đầy dẫy Đức Thánh Linh là hoàn toàn khác nhau. Người có Thánh Linh nhưng không lệ thuộc vào Ngài, không để Ngài dẫn dắt cuộc đời của mình, không có mối quan hệ mật thiết với Ngài. Người đó vẫn sống theo bản năng xác thịt, theo ý riêng, theo sự khôn ngoan riêng. Người đó sẽ không nhận được quyền năng của Đức Thánh Linh.
Một câu chuyện xảy ra trong thời tiên tri Ê li sê đó là, một người đàn bà goá có hai đứa con, cuộc sống rất khốn khổ, mang nợ nần đến nổi chủ nợ đòi bắt hai con của bà làm nô lệ. Sự khủng hoảng càng thêm chồng chất. Bà đã gặp tiên tri Ê li sê van nài. Ê li sê hỏi bà “ Ngươi có vật gì trong nhà ?” Bà thưa: “Con đòi ông không có gì hơn là một hủ dầu”. Tiên tri bảo bà đi mượn thật nhiều bình không rồi bảo bà và các con của bà hãy vào phòng riêng đóng cửa lại rồi đổ dầu vào các bình không đó. Bà làm y như vậy. Quả nhiên dầu chảy ra tràn hết bình này đến bình khác. Đến khi hết bình thì dầu bèn ngưng lại, không chảy nữa.( IICác vua 4:1-7). Hủ dầu này bà đã có trong nhà rất lâu nhưng vẫn không có ích gì. Bà vẫn mang nợ nần, khốn khổ vì bà không biết hủ dầu đó có thể giúp bà trả nợ và nuôi sống cả gia đình . Chỉ khi nào bà vâng lời Chúa, mượn bình không và vào phòng riêng đóng cửa lại thì hủ dầu ấy mới trở nên thực sự có ích.
Hủ dầu đó chỉ về Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh được ban cho chúng ta là để chúng ta có quyền năng làm chứng về Chúa Jesus. Có nhiều người không biết mục đích đó, vẫn cứ nổ lực làm việc, kiếm tiền cho chính mình dẫu thế vẫn không bao giờ đủ. Chúng ta vẫn sống khốn khổ trong bệnh tật, cay đắng, và lo âu, không giúp cho một người nào đến với Chúa Jesus cả. Mỗi ngày nợ yêu thương càng chồng chất. Phao Lô nói “Tôi mắc nợ cả người Gờ réc lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt”.(Rôma1:14). Quyền năng của Đức Thánh Linh là dư dật. Nhưng Ngài không làm gì được khi chúng ta không ý thức mục đích của Chúa ban Thánh Linh ở trong ta để là gì? Nếu chúng ta biết mục đích sống của mình là làm chứng cho Chúa Jesus, ph3i vào phòng riêng đóng kín cửa lại, cầu nguyện kêu xin Đức Thánh Linh đầy day trên mình, để bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, nhờ danh Chúa Jesus để kinh nghiệm quyền năng đuổi quỉ, nhiều đời sống được thay đổi, nhiều tật bệnh được chữa lành thì chính chúng ta sẽ có đời sống sung mãn . Không những thế chúng ta còn đem sự sống của Chúa để chia sẽ cho người khác vì bao nhiêu tội nhân cần được cứu. Và chúng ta cũng cần biết san sẽ dầu Thánh Linh cho nhiều bình không khác. Điều đó chỉ có được khi Đức Thánh Linh hành động. Nếu chúng ta khao khát Ngài. Khao khát là phải vào phòng riêng đóng cửa lại, chỉ về sự cầu nguyện tìm kiếm Chúa, ăn năn những sai trật trong đời sống. Khao khát Chúa ban cho quyền năng để danh Chúa Jesus được vinh hiển. Càng khao khát thì Đức Thánh Linh càng hành động, quyền năng của Đức Chúa Trời trong danh Chúa Jesus được thực hiện. Qua mỗi môn đồ của Chúa đem nhiều linh hồn tội nhân hư mất trở về với Chúa, nhận được sự cứu rỗi. Chúa Jesus phán: “Ta đến để cho chiên được sự sống và được sự sống sung mãn” (Giăng 10:10).
Dầu bèn ngưng lại khi hết bình không. Hình ảnh này nói lên một điều :một khi chúng ta không sống vì mục đích tuôn tràn sự sống đến cho người khác thì dầu bèn ngưng lại. Khi không còn khao khát làm chứng cho Chúa Jesus nữa thì quyền năng Thánh Linh cũng không hành động nữa. Ngày hôm nay có một số quan điểm thần học chủ trương không còn phép lạ. Họ chỉ cần sự khôn ngoan của loài người, cần bằng cấp, học thức hơn là cần Đức Thánh Linh. Không hề có sự kiêng ăn cầu nguyện. Sự khao khát luôn luôn là khi chúng ta ý thức “Ngoài Chúa con không làm gì được” . Những khả năng, tri thức của con người chỉ là con số không mà thôi. Nếu chúng ta đặt số không trước số 1 thì số không vẫn là số không, như khi chúng ta đặt nó sau số 1 thì số không bằng 10, 2 số không bằng 100, ba số không bằng 1000. Và càng nhiều số không đặt sau số 1 thì số không càng lớn. Cũng vậy, nếu chúng ta nhận thấy con không làm chi được, thì hãy đặt Chúa Thánh Linh là số 1, là Đấng dẫn dắc, thì chúng ta sẽ thấy những việc phi thường mà Ngài đã làm qua đời sống chúng ta. Chính điều đó giúp chúng ta cầu nguyện không thôi. Người đầy dẫy Đức Thánh Linh không bao giờ biết mình được đầy dẫy, người đó luôn cảm thấy thiếu thốn, đói khát nguồn dầu mới, và những kết quả theo sau là sự hành động của Đức Thánh Linh chứ không phải của con người. Người đó ngợi khen Đức Chúa Trời và không hề có sự khoe khoang, kiêu ngạo. Người đó hoàn thoàn dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Một số người nói mình được đầy dẫy Đức Thánh Linh rồi nên không cần sự hành động của Đức Thánh Linh nữa. Không còn cầu nguyện, không còn làm chứng rao truyền về Chúa Jesus thì dầu bèn ngưng lại. Chính vì vậy, cuộc đời chúng ta phải luôn khao khát Thánh Linh dẫn dắt, ban ơn, hành động vì Ngài đang thường ở trong chúng ta, chúng ta cần có tấm lòng khao khát sự hành động của Ngài. Thật là tuyệt vời khi chúng ta được chứng khiến công việc phi thường Ngài làm qua cuộc đời của chúng ta. Amen!
2) Đầu phục và bước theo Thánh Linh
Nếu chúng ta nhường quyền lãnh đạo cho Đức Thánh Linh thì hãy vâng lời Ngài. Phao lô khuyên chúng ta: "Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt". "Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước đi theo Thánh Linh vậy" (Ga la ti 5:16,25).
Bản chất con người của chúng ta luôn ưa thích những điều thược về xác thịt, tư dục, nó khiến chúng ta trở thành nô lệ cho điều xấu. Khi Đức Thánh Linh đã được ban cho người ăn năn tin nhận Chúa Jesus, tấm lòng người đó được tái sanh, dầu vậy, người đó phải luôn học lời Đức Chúa Trời và đi theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh luôn hướng chúng ta đến những việc làm tốt lành. Nhưng trong quan thể của chúng ta vẫn có sự đòi hỏi của xác thịt, cho nên luôn có sự tranh chiến. “ vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với Thánh Linh. Thánh Linh có những điều ưa muốn trái vời những điều của xác thịt, hai bên trái nhau dường ấy cho nên anh em không làm được điều mình muốn làm” (Galati5:17). Chúng ta sẽ nhận thấy rất rõ về trái của xác thịt và trái của Thánh Linh. (Galati 5:19-22). Kinh thánh phán người đó là người sống theo xác thịt, chắc chắn trái của xác thịt bày tỏ ra trên cuộc sống của người đó. “Vả chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an” “vả, những kẻ chăm về xác thịt, thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rôma 8:6,8).
Chính vì vậy, chúng ta phải có quyết định phục tùng Đức Thánh Linh, phải chịu ở dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Nhờ đó, đời sống chúng ta mới sinh ra bông trái của Đức Thánh Linh. Đời sống của chúng ta phải vâng Lời Chúa trong Kinh Thánh. Thánh Linh ở trong lòng sẽ chỉ dẫn chúng ta hành động. Nếu chúng ta không cần biết, không cần nghe theo lời Chúa chỉ đi theo tiếng nói của xác thịt và lòng tư dục, chúng ta sẽ trở nên kẻ chống nghịch, dập tắt, khinh lờn Đức Thánh Linh (I. Tê-sa-lô-ni-ca 5:19, Hê-bơ-rơ 10:29). Những người như vậy chỉ đầy dẫy xác thịt, nhiều khi Đức Thánh Linh ra khỏi đời sống của họ rồi. Hội Thánh Cô-rinh-tô có nhiều ân tứ nhưng trong họ có sự kiêu căng, chia rẽ và đầy dẫy xác thịt. Họ chỉ là con đỏ mà thôi. Đức Thánh Linh chỉ được ban cho kẻ vâng lời Ngài mà thôi. Lời Kinh Thánh phán: “Cũng như Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng lời Ngài vậy.” (Công vụ 5:32). Tội lỗi là sự ngăn trở lớn khiến Đức Thánh Linh không thể hành động. Trong lịch sử của Hội Thánh, sự phấn hưng lúc nào cũng kèm theo sau sự ăn năn, xưng tội. Hãy xưng ra tất cả mọi lỗi lầm của mình, xin sự thương xót của Chúa. Có những tội lỗi mà chúng ta không nhớ nên chúng ta cần phải để nhiều thì giờ cầu nguyện xin Thánh Linh tra xét, dò thấu vào tận nơi kín dấu để lòng chúng ta được tan vỡ, như một cái bình được súc sạch để đựng dầu quí. Chúa Giêxu phán : "Không ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ,nếu vậy thì miếng nỉ mới chằng rách áo cũ, mà đàng rách đành xấu thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; Nếu vậy rượu làm vỡ bầu,rượu mất mà bầu cũng chẳng còn. " (Mác 2:21-22). Chỉ có sự tha thứ trọn vẹn một khi chúng ta thay đổi, thực lòng ăn năn thì Đức Thánh Linh mới đầy dẫy trên chúng ta. (Công Vụ 2:38). Nhờ đó, lỗ tai chúng ta được nhạy bén nghe tiếng nói của Ngài, được Ngài chỉ dẫn các nẻo của chúng ta. Hãy để Đức Thánh Linh xử lý con người chúng ta trước, để không còn cặn bã, ô uế của xác thịt, không còn sự kiêu căng về học thức, ý thức được con người không ra gì của mình chỉ là số không trước mặt Ngài. Lúc bấy giờ chúng ta mới có thể lệ thuộc Ngài, mới kêu cầu Ngài cứu giúp và Ngài sẽ làm trọn công việc của Ngài trên đời sống chúng ta.
Một thái độ nguy hiểm trở nên tội phạm với Đức Thánh Linh mà Chúa Jesus đã nhắc đến : “Nếu ai nói phạm đến con người thì sẽ được tha, song nói phạm đến Đức Thánh Linh thì dầu đời này cũng như đời sau cũng không được tha”(Mathiơ 12:32). Một trong những tội phạm đến Đức Thánh Linh mà trong Hê bơ rơ nhắc đến đó là “tội cố ý phạm tội” . Lời Chúa phán: “Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà cố ý phạm tội, thì không còn tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ chờ đợi kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi” người nầy được gọi là người “khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn” (Hêb.10:26-29). Tội không được tha là tội không ăn năn, Có một số người dạy người tin nhận Chúa Jesus một lần đủ cả, không được xưng tội hay ăn năn nữa. Vì Chúa tha tội cho chúng ta tội trong qúa khứ, trong hiện tại và trong tương lai. Rõ ràng đây là lời dạy không đúng với lời Chúa. Có rất nhiều lần Chúa đã kêu gọi hội thánh ăn năn.(Khải huyền 2,3) Cho nên tội không ăn năn là tội chống nghịch, khinh lời Đức Thánh Linh.(Hêbơrơ 10:26-29). Chúng ta phải bước đi theo Thánh Linh chớ hề làm trọn những ưa muốn của xác thịt. Tôi nhớ vào những năm ở tuổi thiếu niên, vì đua đòi nên tôi vào một tiệm tạp hóa ăn trộm một hộp tiền, tôi thấy lúc đó chẳng có ai biết cho nên tôi cảm thấy yên tâm.Tôi đã phạm tội với biết bao tội lỗi dấu kín. Dù bề ngoài tôi rất hiền lành, lại là con mục sư nên tôi cần phải hành động thật kín dấu. Cho đến năm 1984, một đêm tôi được Chúa Thánh Linh cáo trách. Ngài kéo tôi đến sự phán xét, dường như trong tâm trí tôi hồi tưởng lại những hành động thật tồi tệ. Tôi sợ hãi khóc lóc xin sự tha thứ. Đến bốn giờ sáng Chúa phán với tôi : “Tội của con đã được tha”. Tôi cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn. Nhưng mỗi lần tôi tham gia vào những buổi cầu nguyện phấn hưng Chúa Thánh Linh nhắc tôi phải khai trình và bồi hoàn với người mình phạm. Điều đó thật là khó thực hiện. Và trong suốt thời điểm gặp Chúa, mỗi lần cầu nguyện khao khát phục hưng, Thánh Linh luôn nhắc tôi phải giải quyết. Cho đến năm 1998, tôi quyết định viết một bức thư ăn năn xin người bạn tôi tha thứ và gởi số tiền bồi hoàn mà trước đây tôi đã lấy. Cảm tạ Chúa, từ lúc đó tâm hồn tôi thật nhẹ nhàng, phước hạnh. Lời Chúa phán:“Nhưng hết thảy mọi sự đều được tỏ ra bằng sự sáng; phàm điều chi đã tỏ ra thì đều trở nên sự sáng vậy”( Ephêsô 5:13) Halêlugia.
Đầu phục Đức Thánh Linh là từ bỏ những tánh xác thịt tội lỗi hư hoại để đời sống sinh ra bông trái của Đức Thánh Linh. Vì “Trái của Thánh Linh là tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ”( Ga-la-ti 5:22)
Đức Thánh Linh là Đấng giúp chúng ta học Kinh Thánh, cầu nguyện, thực hiện Lời Chúa, nhận được quyền năng làm chứng về Chúa. Ngài là tất cả trong cuộc đời chúng ta. Chính Ngài làm cho Đấng Christ được thành hình trong đời sống của chúng ta. Nhưng điều cần là chúng ta phải đầu phục Đức Thánh Linh, lòng chúng ta luôn mềm mại trước sự cáo trách của Đức Thánh Linh, phải sẵn sàng giải quyết những sai phạm của mình trước sự dạy dỗ của lời Chúa, đó là đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh và luôn đầy dẫy chính mình Ngài. Để đời sống chúng ta làm vinh hiển danh Chúa. Amen.
3) Ân tứ Đức Thánh Linh :
- Ân tứ là công việc của Đức Thánh Linh được ban cho Cơ Đốc Nhân để phục vụ Đức Chúa Trời. Cho nên khi một người muốn dâng đời sống để Chúa sữ dụng hầu việc Chúa. Người đó rất cần ân tứ của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh được ban cho ở trong mỗi đời sống Cơ Đốc Nhân, Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta có ân tứ để phục vụ Chúa. Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn càng thêm ơn để chúng ta phục vụ Chúa có hiệu quả. Phao lô nói: “Không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng TÀI NĂNG CỦA CHÚNG TÔI ĐẾN TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI; Ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước bằng chữ, bèn là giao ước về Đức Thánh Linh; vì chữ làm cho chết nhưng Thánh Linh làm cho sống” ( IICôr. 3:5,6). Cho nên chúng ta cần cầu xin Đức Thánh Linh ban ân tứ để chúng ta hầu việc Chúa có kết quả. Chúng ta xem trong I Cô rinh tô 12:7-10. được liệt kê ra nhiều ân tứ, có những ân tứ được liệt kê từ câu 27-30. sứ đồ, tiên tri, thầy giáo, làm phép lạ, ơn chữa bệnh, cứu giúp, cai quản, phân biệt các thần, nói tiếng lạ, thông giải tiếng lạ… “ Mọi việc đó cùng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát riêng cho mỗi người.”(I cô-rinh-tô 12:11) ân tứ thì nhiều nhưng cùng một Đức Thánh Linh ban cho từng người “Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ một Thánh Linh, có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ một Chúa. Có các việc làm khác nhau nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời”(I côr. 12:4,5). Mục đích Chúa ban ân tứ là để gây dựng thân thể của Đấng Christ “nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ”(Ê-phê-sô 4:13). Chúng ta cần xem trọng những ân tứ của Đức Thánh Linh và khao khát nhiều ân tứ của Đức Thánh Linh để hầu việc Chúa. Nhưng không có nghĩa là ân tứ mình có buộc mọi ngừơi phải có, nếu họ không có thì chúng ta khinh dễ. Chúng ta thường có khuynh hướng xem trọng ân tứ của mình và xem thường ân tứ của người khác. Điều đó sẽ dẫn đến sự kiêu ngạo, gây chia rẽ. Đó là thực trạng của hội thánh Cô-rinh-tô. Trong kinh thánh Phao Lô đã phân tích và đặt câu hỏi: “Há cả thảy là sứ đồ sao?, cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy là thầy giáo sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ sao… Cả thảy đều thông giải các thứ tiếng sao?....”(I Cô rinh tô 12:29,30). Cho nên, những ân tứ là được Đức Thánh Linh ban cho riêng từng người. ÂN TỨ bao gồm nhiều công việc của Đức Thánh Linh được ban cho với mục đích gây dựng chính mình và Hội Thánh. Chúng ta hãy mong ước mình có nhiều ân tứ để hầu việc Chúa có kết quả.
Riêng về ân tứ nói tiếng lạ phải phân biệt có hai loại:
1. Tiếng ngoại quốc: Các thứ tiếng mà Đức Thánh Linh ban cho các môn đồ nói khi họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh được ghi trong sách Công vụ các sứ đồ đó là tiếng ngoại quốc, là thứ tiếng có trong loài người. “Chúng ta đều nghe họ lấy tiếng chúng ta mà nói lên sự cao trọng của Đức Chúa Trời”(Công vụ 2:11). Thường trong Công-vụ dịch là tiếng ngoại quốc. Ý nghĩa mà Chúa muốn chúng ta hiểu MỤC ĐÍCH ĐỨC THÁNH LINH BAN XUỐNG là ban sứ mạng sai Hội Thánh PHẢI TRUYỀN GIÁO CHO TẤT CẢ CÁC DÂN TỘC. CÁC THỨ TIẾNG. (Lu ca 24:46) Trong khi đo, các môn đồ là dân Do Thái, họ rất kỳ thị dân ngọai và ngôn ngữ ngoại bang. Họ không bao giờ dùng miệng của mình để nói tiếng ngoại quốc. Nói tiếng ngoại quốc là người ô uế. Mọi người ngoại muốn gia nhập vào Do Thái giáo, muốn thờ phượng Đức Chúa Trời, bắt buộc họ phải nói ngôn ngữ Hê Bơ Rơ. Đức Thánh Linh cần phá vỡ sự kỳ thị đó bằng cách cho họ nói một ngôn ngữ lạ(lạ vì họ không biết đó là tiếng gì) số người Do Thái thì cho họ là người say rượu nhưng hơn 15 sắc dân là những người ngoại quốc đang hiện diện, họ nghe và hiểu được vì họ nghe được tiếng xứ mình . Cho nên trong bản kinh thánh Việt Ngữ dịch là tiếng ngoại quốc. Đa số nhà thần học nói rằng thứ tiếng này đã chấm dứt khi ngôn ngữ được truyền thông bằng thông dịch. Thậm chí có người cho tiếng lạ là “tà giáo”. Dầu vậy, nếu có trường hợp cá biệt, bởi nhu cầu truyền giáo Đức Thánh Linh vẫn cho có người nói tiếng ngoại quốc hoặc hát một thứ tiếng mà mình không biết, cho nên đối với người nói là tiếng lạ, nhưng bằng một thứ tiếng có trong loài người để người ngoại quốc được nghe tiếng xứ mình. Mục đích Chúa Thánh Linh ban cho các môn đồ nói các thứ tiếng để truyền giáo cho mọi dân tộc, mọi tiếng nói. Đức Thánh Linh vẫn có thể hành động khi đó là mục đích để cứu những linh hồn tội nhân.
2 - Tiếng lạ dùng để nói chuyện với Đức Chúa Trời, đây là thứ tiếng đựơc đề cập đến trong I Cô-rinh-tô 14. Tiếng lạ này được Đức Thánh Linh ban cho là ngôn ngữ đặt biệt để cầu nguyện, chính vì vậy, người nghe nói tiếng lạ thì không ai hiểu được, và chính người nói cũng không hiểu. ( I Cô-rinh-tô 14:2,10-19). “Khi cả hội thánh nhóm lại một nơi. Nếu ai nấy đều nói tiếng lạ, nếu có kẻ tầm thường hoặc kẻ chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?” (I Cô-rinh-tô 14:23) Nhưng tiếng lạ này là tiếng gì? Có người nói: “tôi nói được bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc v.v… Thật sự, Nếu Đức Chúa Trời cần mở miệng cho chúng ta cầu nguyện bằng tiếng nước khác thì điều đó có ích gì? Phải chăng Ngài thích nghe tiếng trung quốc, tiếng Anh, tiếng Đức… hơn tiếng Việt Nam, tiếng xứ mình? Đó chắc chắn không phải là tiếng mà Đức Chúa Trời muốn ban để chúng ta cầu nguyện. Cho nên, tiếng lạ tôi được Đức Thánh Linh dạy dỗ đó là tiếng thiên sứ, vì trong I Cô-rinh-tô 13:1 đã nói: “ Dầu tôi nói được các thứ tiếng của loài người và tiếng Thiên sứ..” tiếng thiên sứ là tiếng gần gủi với Đức Chúa Trời, cho nên Đức Thánh Linh ban cho để cầu nguyện thì không ai hiểu được. “Vì người nào nói tiếng lạ không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu…”(I Cor.14:2) Chính vì vậy, nếu ai sử dụng nơi tập thể thì phải có thông dịch, nếu không có thì người đó phải làm thinh. Như vậy, ân tứ nầy dùng để cầu nguyện với Đức Chúa Trời, tốt nhất chỉ sử dụng trong phòng riêng để cầu nguyện ( Mathiơ 6:6).
ĐIỀU CẦN LƯU Ý: Tiếng của Thiên sứ thì Chúng ta cũng nên nhớ rằng: Lu-xi-phe trước khi phạm tội cũng là Thiên sứ trưởng của Đức Chúa Trời. Hiện nay có nhiều thiên sứ sa ngã, trở nên một thế lực tối tăm chống nghịch lại với Đức Chúa Trời, cho nên, người ngoại khi họ nhập đồng, họ vẫn có nói một thứ tiếng lạ mà kinh thánh gọi là nói “líu lo,ríu rít”(Ê-sai 8:11). Trong thế giới thần linh có Thiên sứ thiện và Thiên sứ ác. Người nói tiếng lạ không tự chủ được vì trí khôn lơ lửng, cho nên nếu có người chỉ muốn nói tiếng lạ để cho mình là người được đầy dẫy Đức Thánh Linh, trong ý thức kiên ngạo, ma quỉ cũng rất dễ dàng hành động, cho nên, có rất nhiều trường hợp bị qủi ám. phải tập trung đuổi quỉ; Chúng ta cũng cần phải cẩn thận. Tiếng lạ phải để cho Đức Thánh Linh ban cho, không tự nói theo ý xác thịt để tỏ ra mình được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Nói tiếng lạ không nhằm mục đích kiêu ngạo mà quan trọng là đời sống được gây dựng và phải có kết quả, vì vậy Chúa Jesus muốn cho chúng ta biết thế nào là người được đầy dẫy Đức Thánh Linh hay là xác thịt: XEM TRÁI BIẾT CÂY. (Mathiơ 7:15-20).
- Có người cho rằng : phải nói tiếng lạ mới đầy dẫy Đức Thánh Linh. Cầu nguyện tiếng lạ là cầu nguyện bởi Thánh Linh còn cầu nguyện bằng tiếng mẹ đẻ là cầu nguyện bởi trí khôn. Nếu không có tiếng lạ là đời sống chỉ hành động theo xác thịt của loài người. Điều này là quan điểm cực đoan, hoàn toàn sai với lẽ thật. Bởi họ đồng hoá tiếng lạ với Thánh Linh là một. Thật sự Đức Thánh Linh là một thân vị. Một Đấng được ban cho chúng ta để dẫn dắt trong mọi hoạt động của Cơ Đốc Nhân. Cho nên, dù là chúng ta cầu nguyện bởi tiếng mẹ đẻ, hay hành động mà có tấm long nhờ cậy Đức Thánh Linh, được sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh thì lời cầu nguyện đó được gần gũi với Đức Chúa Trời, lời cầu nguyện đó cũng được gây dựng “Cũng một lẽ đó, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối của chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; Nhưng Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta” (Rôma 8:26). Đây không phải là cầu nguyện bằng tiếng lạ, nhưng là lời cầu nguyện được Đức Thánh Linh dẫn dắt, cầu thay trong sự cầu nguyện. Chính vì quan niệm cựu đoan như vậy, nên hội thánh Cô rinh tô đã có sự cải vã, tranh cạnh, gây sự chia rẽ trầm trọng trong hội thánh. Vì cớ đó mà Phao Lô đã viết chương 12,13 và14 để chấn chỉnh lại những cực đoan của những người nói tiếng lạ. Phao Lô đã dùng những từ ngữ có tính cách nặng để quở trách những người có quan niệm cực đoan về tiếng lạ. Chúng ta nên nhớ rằng : Đức Thánh Linh là một thân vị, một Đấng Toàn Năng. Ngài là hiện thân của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con ở trong Cơ Đốc Nhân. Còn ân tứ là công việc của Đức Thánh Linh, Thánh Linh có nhiều công việc khác nhau, nhiều ân tứ khác nhau, nhưng mọi ân tứ đến từ một Đức Thánh Linh, theo ý Ngài muốn phân phát riêng cho mỗi người.(I Côr. 12:4-11).
Tạ ơn Chúa, vì Chúa ban cho tôi có ân tứ này nhưng tôi cũng phải xem trọng những ân tứ của người khác nữa. Chúng ta mang tinh thần tiên tri suy phục tiên tri (14:32,33) Amen. Chúng ta khao khát mỗi người được nhiều ân tứ của Đức Thánh Linh để phục vụ Chúa có kết quả. Nhưng điều chúng ta khao khát hơn đó là TÌNH YÊU THƯƠNG. (I Cô-rinh-tô 13:1-13) Vì chỉ có tình yêu thương chính là bông trái của Đức Thánh Linh, tình yêu thương mới xác nhận chúng ta là môn đồ của Chúa Jêsus mà thôi. Amen.
MỘT CHỨNG NHÂN MUỐN THÀNH CÔNG HÃY CẦU NGUYỆN,CẦU NGUYỆN VÀ CẦU NGUYỆN ĐỂ ĐƯỢC ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH.
Nhờ đời sống cầu nguyện chúng ta sẽ được Ngài sử dụng để gây dựng Hội Thánh, chinh phục nhiều linh hồn tội nhân, cửa thiên đàng được mở rộng, nhiều người bước vào thiên đàng, quyền lực của ma quỉ bị trói cột, thất bại. Khi ấy chính nghĩa Tin Lành của Đức Chúa Trời được mở rộng trong thế gian này cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Amen.
Hết Phần I
------> Phần 2: CHỨNG ĐẠO