MÔN ĐỒ HÓA MUÔN DÂN
Trong những năm gần đây, một số Hội thánh tổ chức các hội thảo nhằm tìm ra lí do để Hội thánh tăng trưởng nhanh. Nhiều thông tin bổ ích được các tôi tớ Chúa đề cập. Một trong lí do quan trọng đó là Hội thánh phải trở về với Hội thánh ban đầu thời Chúa Jêsus. Điều này thật khó! Bởi vì Hội thánh đầu tiên quá hoàn hảo. Ngày nay phong cách riêng của xã hội và văn hóa đã in sâu vào Hội thánh Đức Chúa Trời trên khắp thế giới. Nhiều hình thức truyền thống của lễ nghi đã làm lu mờ các giá trị tôn quý của Hội thánh đầu tiên. Kết luận rằng: “Càng giữ được bao nhiêu các giá trị của Hội thánh đầu tiên thì càng tốt bấy nhiêu”.
Năm 1967, Hội thánh Chúa tại Việt Nam phát động chương trình Truyền Đạo Sâu Rộng (EE) với mục tiêu: “Tất cả cho những người chưa được cứu”. Hiện nay, các Hội Thánh cũng đang sử dụng EE cho các chương trình chứng đạo cá nhân và tập thể. Tôi hy vọng EE này chính là Chứng Đạo Sâu Rộng mà cố Mục Sư Hội Trưởng Đoàn Văn Miêng đã từng thực hiện. EE chỉ là khuôn mẫu, tôi không khuyến khích sử dụng nó một các rập khuôn mà sáng tạo và thật sự ‘sâu rộng’ trong lòng thân hữu.
Tôi suy nghĩ đến hai chữ ‘tất cả’ mà lòng cảm thấy nghẹn ngào cho những người cùng thế hệ ở Việt Nam này còn chưa biết đến Chúa. Tất cả nghĩa là gì? Hiểu một cách đơn giản mọi cái mình có, tận dụng hết khả năng, ân tứ, thời gian, cơ hội. Lời Chúa trong phân đoạn Kinh thánh Mathiơ 28:16-20 là một minh chứng hùng hồn cho ‘tất cả’.
16 Mười một môn đồ đi qua xứ Ga-li-lê, lên hòn núi mà Đức Chúa Jêsus đã chỉ cho.
17 Khi môn đồ thấy Ngài, thì thờ lạy Ngài; nhưng có một vài người nghi ngờ.
18 Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta.
19 Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ,
20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.
Phân đọan Kinh Thánh này đề cập đến rất nhiều chữ ‘tất cả’. Hiển nhiên là nó không rõ ràng như ban ngày nhưng chúng ta có thể sống với phân đoạn Kinh thánh này hằng ngày.
Bối cảnh ở đây mô tả Chúa Jêsus dẫn các môn đồ lên trên núi cùng với Ngài. Đây là những giây phút cuối cùng của Ngài trên đất vì trước khi Ngài trở về cùng Cha.
Chữ ‘tất cả’ thứ nhất là ‘mười một môn đồ’. Sau khi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt thắt cổ tự tử, chúng ta ghi nhận còn mười một môn đồ. Tất cả các môn đồ đi theo Ngài lên núi. Chúa Jêsus đến thế gian để kêu gọi chúng ta trở nên những môn đồ của Đấng Christ. Ngài không hoan nghênh ai theo Ngài để trở thành các tín hữu trong Hội thánh hay chỉ cần tin nhận Ngài rồi qua đời. Đấng Christ kêu gọi mỗi bạn trở nên những tay đánh lưới người, là những đầy tớ trung thành, là những người lính giỏi. Ngài kêu gọi tất cả quý vị vào công việc của Ngài. Không loại trừ ai, ai cũng phải ra trận và phải đánh một trận tốt lành trên đất. Môn đồ là những người làm những việc mà Chúa Jêsus đã từng làm. Chúa Jêsus đã làm gì. Ngài thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách dâng cuộc đời cho công viêc đời đời của Cha. Chúa Jêsus rao giảng về nước trời hầu cho ai nghe đến đều tin. Có một lẽ thật được bày tỏ trong Kinh thánh, Chúa Jêsus phán rằng: ‘Kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha’ (Giăng 14:12). Bởi sự cầu nguyện, bạn có thể làm những việc trỗi hơn những điều ao ước và suy tưởng. Tôi khích lệ bạn trở nên một chiến sĩ cầu nguyện như Chúa Jêsus. Thời gian Chúa Jêsus sống trên đất là sự liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Ngài làm mọi sự thông qua lời cầu nguyện. Bạn cũng có thể làm được như vậy.
Các môn đồ cùng Chúa lên núi. Núi là nơi gần gủi với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Xưa, Môi-se lên núi để nhận mười điều răn. Chúa Jêsus cũng thường dẫn các môn đồ đi lên núi. Họ lên núi để ‘thờ lạy’ (câu 17). Đây là khung cảnh tuyệt vời. Các môn đồ chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo. Nhưng công cuộc truyền giáo nào cũng cần có sự thờ phượng Chúa. Sự thờ phượng phải đi trước sự truyền giáo. Trong khi thờ phượng, các môn đồ vui hưởng sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Họ nhận được sức mới từ nơi Ngài. “Các chiến sĩ” cần trang bị ‘hành trang’ trước khi bước vào cuộc chiến thuộc linh này.
Chúa Jêsus phán về ‘tất cả’ rằng: ‘Hết cả quyền phép’. Sau khi đắc thắng sự chết, không còn nghi ngờ gì nữa, Ngài chính là Đức Chúa Trời. Không ai có thể chết đi rồi lại sống lại. Kinh thánh mô tả cái chết thật sự của Chúa Jêsus: “nhưng có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra” (Giăng 19:34). Máu và nước chảy ra hay chảy tách bạch ra. Đây là một bằng chứng mà con người lúc bấy giờ chưa biết họ chỉ ghi nhận điều này. Khoa học ngày nay cho biết khi máu và nước chảy ra tức là hồng cầu và huyết tương tách ra không còn chung một dung dịch nữa có nghĩa là người đó đã chết. Đức Chúa Trời đang tồn tại trong bạn. Ngài là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Không có gì là quá khó đối với Ngài. Ngài sẽ hành động thông qua đức tin và việc làm của bạn. Ngài ban cho bạn tùy theo lượng đức tin mà bạn có. Chính điều này sẽ khích lệ bạn trong công việc Chúa. Đấng ngự trong bạn lớn hơn những thế lực mờ tối trong thế gian.
Chữ ‘tất cả’ thứ ba là ‘muôn dân’. Ngài mong muốn mọi người đều ăn năn không muốn ai phải chết mất. Chúa Jêsus phán: Hãy môn đệ hóa muôn dân và biến họ trở nên môn đồ Ta. Bạn cũng được Ngài giao cho một trọng trách quan trọng đó là không chỉ làm chứng đạo mà còn là môn đồ hóa hay Phúc Âm hóa muôn dân. Công việc này là một tiến trình chứ không phải là một sự kiện. Nó đòi hỏi bạn phải tốn tất cả: Thời gian, công sức, tiền bạc, nhất là một tâm tình như Đấng Christ đã có. Tôi thách thức bạn đi ra và môn đệ hóa họ. Tôi cũng đã và đang làm như vậy.
Công việc truyền giáo là công việc thuộc linh. Nó không phải chỉ muốn là được hay có tiền là xong. Ao ước cũng cần, tiền bạc cũng thể thiếu nhưng trước hết đây là công việc cần có sự hiện diện của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. ‘Hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ’. Một trong những giáo lý quan trọng của Cơ Đốc Giáo là giáo lý Ba Ngôi. Bạn không thể nào quên được điều này. Có Ba Ngôi Đức Chúa Trời nhưng Ba Ngôi hiệp một cũng giống như nước có ba thể rắn, lỏng, khí mà chỉ có chung một công thức H2O.
Và dạy họ ‘tất cả’ những điều mà Chúa Jêsus đã truyền cho chúng ta. Vì sự công bình của chúng ta không trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì chúng ta chắc không vào nước thiên đàng. Hiển nhiên, chúng ta được cứu không phải là bởi luật pháp hay làm điều lành nhưng là bởi ân điển và đức tin nơi Cứu Chúa Jêsus Christ chúng ta. Mặt khác, chúng ta đã được rỗi mà còn đắm chìm trong tội lỗi thì ân điển bị khinh lờn. Có lẽ nào chúng ta muốn đóng đinh Chúa của chúng ta thêm một lần nữa? Không! Chúng ta thà làm đẹp lòng Đức Chúa Trời hơn là làm đẹp lòng người ta.
Kết thúc phân đoạn Kinh thánh này bằng một lời nói khích lệ cho mỗi chúng ta: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế”. Mọi lúc bạn làm gì, mọi nơi bạn đến đều có sự hiện diện của Ngài. Ngài chính là chỗ kẻ đá vững an cho ai nương cậy.
Tôi thách thức các bạn trở nên những môn đồ trung tín của Đức Chúa Jêsus Christ, mời Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong công tác cho người chưa được cứu, sử dụng tất cả những gì mình có cho việc truyền giáo và hãy lợi dụng thì giờ vì những ngày là rất xấu. Nguyện Chúa đầy ơn cho các bạn.
Amen.
- 14/05/2012 19:20 - TÀI LIỆU DOWNLOAD
- 14/05/2012 19:15 - Phải Chăng Đạo Tin Lành Cũng Là Đạo Tin Để Làm Làn…
- 14/05/2012 19:07 - Có Phải Theo Đạo Tin Lành Là Bỏ Ông Bỏ Bà ?
- 14/05/2012 18:51 - TIN LÀNH
- 07/05/2012 10:14 - VÌ SAO PHẢI MÔN ĐỒ HÓA?
- 04/05/2012 01:48 - Tôi Có Đạo Rồi, Tại Sao Tôi Cần Phải Theo Đạo Tin …
- 24/05/2011 18:09 - ĐẠO CÔNG GIÁO
- 20/06/2009 18:42 - Động lực để chúng ta rao giảng Tin Lành là gì ?