Động lực để chúng ta rao giảng Tin Lành là gì ?
- Có phải vì mạng lệnh của Chúa chăng ? Đành rằng sự rao giảng Tin Lành là một mạng lệnh.
- Có phải vì sợ Chúa đòi nợ máu trong tay chúng ta không? Đành rằng cuối cùng Chúa sẽ hỏi chúng ta về linh hồn những người thân của mình . “Khi ta nói với kẻ dữ rằng : Mầy chắc sẽ chết! Nếu người không răn bảo nó, không nói với nó đặng khuyên bảo nó, từ bỏ mạng sống để cứu mạng mình, thì người dữ đó sẽ chết trong tội lỗi nó; Nhưng ta sẽ đòi huyết nó nơi tay ngươi. Trái lại nếu ngươi răn bảo kẻ dữ, mà nó không từ bỏ sự dữ cùng đường xấu mình, thì nó sẽ chết trong tội lỗi nó; Còn ngươi thì giải cứu được linh hồn mình.” (Ê-xê-chi-ên 3:18,19).
- Có phải vì tiền hay vì trách nhiệm với giáo hội hay với ân nhân giúp đỡ ? --> KHÔNG
Động lực duy nhất là TÌNH YÊU THƯƠNG. Còn tất cả những động lực khác đều là mục đích vị kỷ, mục đích có lợi riêng cho mình. Không có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời. Dù chúng ta có hy sinh nhưng trước mặt Đức Chúa Trời chẳng có giá trị gì hết. (I Cô-rinh-tô 13:1-3).
Từ khi tôi gặp Chúa, nhận được sự tha thứ, sự cứu rỗi của Chúa, tôi cảm động vô cùng trước tình yêu lớn lao này. Tôi đã xin Chúa thay đổi tấm lòng ích kỷ của tôi. Tôi được Chúa mở mắt thấy những linh hồn đang hư mất đau đớn. Tôi khóc rất nhiều, dường như trái tim tôi luôn thắt lại đau đớn khi nhìn còn quá nhiều người chưa được cứu. Tôi đã tình nguyện đi ra, vừa đi vừa khóc làm chứng về Chúa một cách có kết quả. Một ngày kia, có người đến với tôi nói: Tôi nghe nói anh hầu việc Chúa rất có kết quả nên tôi muốn hỗ trợ tài chánh cho anh và những anh em đang hầu việc Chúa khác nữa. Thực sự tôi rất tạ ơn Chúa vì sự ban cho của Ngài. Nhưng khi nhận tiền hỗ trợ, hằng tháng tôi phải có trách nhiệm báo cáo với ân nhân. Lúc bấy giờ tôi cảm nhận dường như có một động lực khác đã thay thế, thúc dục tôi hầu việc Chúa. Khi làm chứng có người tin Chúa, tôi vui vì có để báo cáo, tháng nào không có người tin Chúa thì tôi lo. Rõ ràng, từ trong tâm linh tôi đã có một mục đích khác để truyền giáo và tôi đã đánh mất tình yêu ban đầu. Thật sự, nhu cầu về tài chính cũng cần thiết để chúng ta có điều kiện đi ra nhưng phải ý thức đó không phải là động lực chính. Nếu không cẩn thận, tiền, trách nhiệm, dễ thay thế tình yêu mà Chúa muốn đặt trong lòng chúng ta. Tình yêu vì những linh hồn hư mất luôn đòi hỏi chúng ta phải tận hiến.
Khi chúng ta có tình yêu thương linh hồn của người khác thì rất dễ dàng để chúng ta hy sinh. Nếu chúng ta mơ ước cho một người bên cạnh nhà tin Chúa thì chúng ta rất dễ hy sinh, dễ chịu thiệt, chúng ta rất cẩn thận từ trong lời nói đến hành động. Câu chuyện được kể trong Lu ca 18:18-27. khi người trai trẻ giàu có đến hỏi Chúa Jesus làm sao tôi có sự sống đời đời? Chúa hỏi : Ngươi đã giữ hết điều răn chưa? Người ấy thưa: “Tôi đã giữ các điều ấy từ thuở nhỏ”. Đức Chúa Jesus nghe vậy bèn phán : “Còn thiếu cho ngươi một điều : Hãy bán hết gia tài mình phân phát cho kẻ nghèo thì ngươi sẽ có của báu ở trên trời. Bấy giờ hãy đến mà theo ta”. Đây là tiêu chuẩn của nước trời, bán hết gia tài, từ bỏ mọi sự là điều kiện đòi hỏi các môn đồ của Chúa phải thực hiện. Người trai trẻ giàu có nầy buồn rầu rút lui vì yêu của cải. Các môn đồ thấy vậy hỏi: “Vậy thì ai sẽ được cứu?” Chúa phán :“Sự gì người ta làm không được nhưng Đức Chúa Trời làm được mọi sự”. Lẽ tất nhiên, Đức Chúa Trời không hạ thấp tiêu chuẩn của nước thiên đàng. Điều đòi hỏi trên Chúa Jesus cũng muốn nói đến trách nhiệm của điều răn thứ 2 là: “Yêu kẻ lân cận NHƯ CHÍNH MÌNH”. Điều mà người trai trẻ giàu có thiếu chính là điều đòi hỏi của nước Trời. Làm sao để chúng ta có thể làm được điều Chúa đòi hỏi? Có hai vấn đề ý thức để chúng ta có thể thực hiện được những điều Chúa Jesus đòi hỏi:
1 - Khi được Đức Thánh Linh mở mắt chúng ta sẽ nhận thấy giá trị của một linh hồn quý hơn cả thế gian. Chúng ta đã được cứu. Bây giờ mục đích duy nhất mà Chúa muốn chúng ta khi còn sống trên trần gian này là phải sử dụng hết khả năng Chúa ban để dắt đưa những linh hồn tội nhân đến với Đấng Christ. Có yêu những linh hồn tội nhân xung quanh thì mới có động lực khiến chúng ta phải kiêng ăn, kêu cầu than khóc cho những linh hồn hư mất. Mục đích sống của Cơ Đốc Nhân trên đời này là cứu kẻ bị đùa đến sự chết, đến chốn hình khổ. Đến nổi vì tình yêu thương đó thúc dục chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mà chúng ta có thể làm được để cứu linh hồn người khác. Chính động lực đó sẽ giúp chúng ta hy sinh một cách dễ dàng. Chúng ta rất sung sướng, vui mừng vì đem nhiều linh hồn về với nước thiên đàng đời đời.
Hai nhà thám hiểm người Anh, khi leo núi, đến mõm đá, một người bị trượt chân rơi xuống nhưng may thay anh bám được cạnh đá. Anh bị treo lơ lửng mà phía dưới là một thung lũng sâu. Để cứu bạn, người bạn còn lại không ngại nguy hiểm, cố gắng leo ra ngoài mõm đá, trườn xuống, nắm lấy tay bạn mình kéo lên. Khi trở về, họ thuật lại sự việc đó. Các phóng viên muốn có một tấm hình ghi lại hành động cao thượng của người bạn trẻ này. Họ hứa trả cho anh một số tiền lớn nhưng anh từ chối, không dám nhận. Anh nói :"Lúc bấy giờ, thấy trước mắt tôi là sự chết khủng khiếp. Để cứu bạn mình, tôi không còn biết sợ hãi, nguy hiểm là gì. Nhưng bây giờ tôi không đủ can đảm để hành động trở lại”.
Qua câu chuyện trên ta rút ra bài học: Nếu có tình yêu đối với linh hồn tội nhân thì chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả. Nếu không vì tình yêu thương thì chắc chúng ta sẽ chạy trốn vì thấy trước mắt mình là biết bao khó khăn, nguy hiểm phải không? Nếu chúng ta ý thức được: dù bất cứ giá nào người bên cạnh của chúng ta cũng phải được cứu thì chúng ta dễ nhịn nhục, tha thứ, dễ chấp nhận sự thiệt thòi về mình, và điều đó có sức thuyết phục kì diệu đối với thân hữu. Tất cả những giá trị tài sản như nhà cao, cửa rộng, ô tô, đất ruộng của chúng ta không thể nào đem vào thiên đàng được, khi Chúa gọi về thiên đàng, chúng ta trở về 2 bàn tay trắng. Nhưng chỉ có linh hồn tội nhân mà chúng ta làm chứng, dắt đưa họ tin Chúa Jesus, thì sẽ có trên thiên đàng đời đời. Đó là niềm vui lớn cho những người yêu thương linh hồn tội nhân.
2- Chúa Jesus phán: “Nếu ai trong các ngươi không từ bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.” (Luca 14:33). Như vậy điều Chúa đòi hỏi môn đồ của Chúa là từ bỏ mọi sự. Trước sự đòi hỏi của Chúa, Phi-e-rơ đã nói: “Nầy chúng tôi đã bỏ mọi sự mình có mà theo thầy” . Có lẽ, ý Phi-e-rơ muốn hỏi tôi sẽ được những gì?. Đức Chúa Jesus phán rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin Lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời này, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ và sự sống đời đời trong đời sau”.(Mác 10:29,30). Đức Chúa Trời là Đấng công bình và là Đấng Toàn Năng. Đấng đã làm những việc không có ra có, những việc có ra không. Nếu chúng ta vì cớ những linh hồn hư mất, vì cớ tình yêu của Chúa và Tin Lành mà hy sinh thì Đức Chúa Trời sẽ có quyền ban phước cho chúng ta nhiều hơn. Theo luật gieo gặt: một hột ra 30 hột, 60 hột và 100 hột. Cũng vậy, một khi chúng ta tin chắc vào quyền năng và sự công bình của Chúa sẽ báo trả cho những gì chúng ta dâng hiến, hy sinh. Chúng ta tận hiến mọi sự vì nước thiên đàng, không phải mất mà là được và còn được nhiều hơn gấp bội. Như lời hứa của Chúa sẽ được trăm lần hơn. Đó là lời hứa của Chúa. Nếu có một vị Vua anh minh ra quyết định: “Nếu ai đem nộp tất cả tài sản vì quốc gia đại sự thì sẽ nhận được 100 lần hơn theo như giá trị tài sản đã hiến. Bạn thử nghĩ người dân có dành nhau để đem nộp không? Chắc chắn là có. Vì đó chính là quyền lợi, hưởng lợi tức 100 lần. Cũng vậy, thách thức của Chúa Jesus kêu gọi là phải từ bỏ mọi sự mới được làm môn đồ của Chúa, chúng ta dám từ bỏ không?. Nếu chúng ta thực hiện chắc chắn người đó trở nên giàu có phải không? Vậy thì lúc ấy chúng ta sẽ trở nên giàu có, sẽ hưởng thụ được nhiều hơn phải không? Trong lớp học, tôi thường hỏi học viên là: “100 lần hơn có giá trị hơn điều mà chúng ta từ bỏ mọi sự trước đó không? Có người trả lời là có. Nếu ý thức như vậy, chúng ta chưa từ bỏ mọi sự gì cả. Chỉ bỏ “con tép bắt con tôm” mà thôi. Đã từ bỏ mọi sự thì dù có 100 lần hơn cũng sẽ từ bỏ mọi sự, chúng ta cũng tận hiến hết mọi sự vì nước Trời phải không? chúng ta sẽ có cơ hội hầu việc Chúa lớn hơn gấp bội lần, đem được nhiều người được cứu vào trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Halelugia. Chúng ta khao khát có nhiều hơn cũng chỉ để thể hiện tình yêu Chúa lớn hơn, nhiều hơn. Vì càng có nhiều thì càng tận hiến được nhiều. Qua đó mà danh Chúa được vinh hiển. Amen!
Có một mục sư mong ước những người xung quanh tin Chúa, ông tìm đủ mọi cách bày tỏ tình thương để có cơ hội làm chứng về Chúa cho họ. Cách đó một năm, người hàng xóm trồng một cây chuối ngay ranh đất. Cha của mục sư nói với họ: Sau này chuối con đâm vào đất tôi thì làm sao? Anh ta nói: “Thì Chú chặt ăn”. Nhưng sau một năm, vợ anh hàng xóm nói: “Hồi trước chồng tôi trồng chuối trong hàng rào một thước, bây giờ chuối lớn phải rào lại.” Điều này đã đem lại sự bực tức đối với người cha của mục sư. Nhưng Mục sư nói: “Anh chị muốn rào ngay chỗ này phải không? Rồi, tôi bằng lòng, không còn phải cãi nữa”. Và vợ chồng anh rào xâm phạm vào đất của nhà mục sư một mét. Mọi người đi qua lại họ gièm pha khi biết anh chị chiếm đất. Anh chị cảm thấy hổ thẹn, nên một ngày kia, anh chị nhổ các cọc rào đem rào ngay ranh cũ. Sau đó, anh và ba người con cầu nguyện tin Chúa. Tạ ơn Chúa, dù chịu thiệt nhưng gia đình mục sư không mất gì, lại được bốn linh hồn tin Chúa. Halelugia.
Chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều để tình yêu của Đấng Christ chiếm hữu mỗi tấm lòng chúng ta. Chính Ngài sẽ sống và làm công việc của Ngài trong đời sống chúng ta. Trước đây tôi nôn nả làm chứng về chân lý của Chúa như là để bênh vực cho đạo của mình. Tôi tranh cãi rất nhiều nhưng thật lạ, ai cũng cứng cỏi quá. Dù rằng có những lúc tôi thắng nhưng họ không phục. Trong khi đó, tôi thấy những người mới tin Chúa, có người không có trình độ văn hoá, nhưng họ có những lời chứng chinh phục rất kỳ diệu. Tôi chứng kiến và biết được trong họ có đầy tình yêu thương. Họ khóc trong khi cầu nguyện. Họ khóc trong khi làm chứng. Tôi ăn năn với Chúa. Tôi xin Chúa cho lòng con mềm trước khi muốn người khác mềm. Cảm tạ Chúa! Ngài đã thăm viếng tôi. Tôi khóc nức nở trước mặt Ngài vì bao nhiêu người đang bị đùa đến chốn hình khổ. Từ đó tôi không bao giờ thấy mệt mỏi và sẵn sàng làm chứng cộng thêm tấm lòng đau xót mà các thân hữu họ cảm nhận được. Cảm tạ Chúa! Lời nói tôi bắt đầu có giá trị và đem đến kết quả cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho đến khi tình yêu của Đấng Christ tràn ngập trên chúng ta. Chính tình yêu đó loại bỏ được những nhỏ nhen, ích kỷ, loại bỏ được những trở lực của đồng tiền, sự hưởng thụ, để chúng ta hy sinh cho mọi người, chắc chắn chúng ta sẽ trở nên những chứng nhân thành công. Amen!
Trong những năm gần đây, một số Hội thánh tổ chức các hội thảo nhằm tìm ra lí do để Hội thánh tăng trưởng nhanh. Nhiều thông tin bổ ích được các tôi tớ Chúa đề cập. Một trong lí do quan trọng đó là Hội thánh phải trở về với Hội thánh ban đầu thời Chúa Jêsus. Điều này thật khó! Bởi vì Hội thánh đầu tiên quá hoàn hảo. Ngày nay phong cách riêng của xã hội và văn hóa đã in sâu vào Hội thánh Đức Chúa Trời trên khắp thế giới. Nhiều hình thức truyền thống của lễ nghi đã làm lu mờ các giá trị tôn quý của Hội thánh đầu tiên. Kết luận rằng: “Càng giữ được bao nhiêu các giá trị của Hội thánh đầu tiên thì càng tốt bấy nhiêu”. Năm 1967, Hội thánh Chúa tại Việt Nam phát động chương trình Truyền Đạo Sâu Rộng (EE) với mục tiêu: “Tất cả cho những người chưa được cứu”. Hiện nay, các Hội Thánh cũng đang sử dụng EE cho các chương trình chứng đạo cá nhân và tập thể. Tôi hy vọng EE này chính là Chứng Đạo Sâu Rộng mà cố Mục Sư Hội Trưởng Đoàn Văn Miêng đã từng thực hiện. EE chỉ là khuôn mẫu, tôi không khuyến khích sử dụng nó một các rập khuôn mà sáng tạo và thật sự ‘sâu rộng’ trong lòng thân hữu. Tôi suy nghĩ đến hai chữ ‘tất cả’ mà lòng cảm thấy nghẹn ngào cho những người cùng thế hệ ở Việt Nam này còn chưa biết đến Chúa. Tất cả nghĩa là gì? Hiểu một cách đơn giản mọi cái mình có, tận dụng hết khả năng, ân tứ, thời gian, cơ hội. Lời Chúa trong phân đoạn Kinh thánh Mathiơ 28:16-20 là một minh chứng hùng hồn cho ‘tất cả’. 16 Mười một môn đồ đi qua xứ Ga-li-lê, lên hòn núi mà Đức Chúa Jêsus đã chỉ cho. 17 Khi môn đồ thấy Ngài, thì thờ lạy Ngài; nhưng có một vài người nghi ngờ. 18 Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. 19 Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, 20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. Phân đọan Kinh Thánh này đề cập đến rất nhiều chữ ‘tất cả’. Hiển nhiên là nó không rõ ràng như ban ngày nhưng chúng ta có thể sống với phân đoạn Kinh thánh này hằng ngày. Bối cảnh ở đây mô tả Chúa Jêsus dẫn các môn đồ lên trên núi cùng với Ngài. Đây là những giây phút cuối cùng của Ngài trên đất vì trước khi Ngài trở về cùng Cha. Chữ ‘tất cả’ thứ nhất là ‘mười một môn đồ’. Sau khi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt thắt cổ tự tử, chúng ta ghi nhận còn mười một môn đồ. Tất cả các môn đồ đi theo Ngài lên núi. Chúa Jêsus đến thế gian để kêu gọi chúng ta trở nên những môn đồ của Đấng Christ. Ngài không hoan nghênh ai theo Ngài để trở thành các tín hữu trong Hội thánh hay chỉ cần tin nhận Ngài rồi qua đời. Đấng Christ kêu gọi mỗi bạn trở nên những tay đánh lưới người, là những đầy tớ trung thành, là những người lính giỏi. Ngài kêu gọi tất cả quý vị vào công việc của Ngài. Không loại trừ ai, ai cũng phải ra trận và phải đánh một trận tốt lành trên đất. Môn đồ là những người làm những việc mà Chúa Jêsus đã từng làm. Chúa Jêsus đã làm gì. Ngài thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách dâng cuộc đời cho công viêc đời đời của Cha. Chúa Jêsus rao giảng về nước trời hầu cho ai nghe đến đều tin. Có một lẽ thật được bày tỏ trong Kinh thánh, Chúa Jêsus phán rằng: ‘Kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha’ (Giăng 14:12). Bởi sự cầu nguyện, bạn có thể làm những việc trỗi hơn những điều ao ước và suy tưởng. Tôi khích lệ bạn trở nên một chiến sĩ cầu nguyện như Chúa Jêsus. Thời gian Chúa Jêsus sống trên đất là sự liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Ngài làm mọi sự thông qua lời cầu nguyện. Bạn cũng có thể làm được như vậy. Các môn đồ cùng Chúa lên núi. Núi là nơi gần gủi với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Xưa, Môi-se lên núi để nhận mười điều răn. Chúa Jêsus cũng thường dẫn các môn đồ đi lên núi. Họ lên núi để ‘thờ lạy’ (câu 17). Đây là khung cảnh tuyệt vời. Các môn đồ chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo. Nhưng công cuộc truyền giáo nào cũng cần có sự thờ phượng Chúa. Sự thờ phượng phải đi trước sự truyền giáo. Trong khi thờ phượng, các môn đồ vui hưởng sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Họ nhận được sức mới từ nơi Ngài. “Các chiến sĩ” cần trang bị ‘hành trang’ trước khi bước vào cuộc chiến thuộc linh này. Chúa Jêsus phán về ‘tất cả’ rằng: ‘Hết cả quyền phép’. Sau khi đắc thắng sự chết, không còn nghi ngờ gì nữa, Ngài chính là Đức Chúa Trời. Không ai có thể chết đi rồi lại sống lại. Kinh thánh mô tả cái chết thật sự của Chúa Jêsus: “nhưng có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra” (Giăng 19:34). Máu và nước chảy ra hay chảy tách bạch ra. Đây là một bằng chứng mà con người lúc bấy giờ chưa biết họ chỉ ghi nhận điều này. Khoa học ngày nay cho biết khi máu và nước chảy ra tức là hồng cầu và huyết tương tách ra không còn chung một dung dịch nữa có nghĩa là người đó đã chết. Đức Chúa Trời đang tồn tại trong bạn. Ngài là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Không có gì là quá khó đối với Ngài. Ngài sẽ hành động thông qua đức tin và việc làm của bạn. Ngài ban cho bạn tùy theo lượng đức tin mà bạn có. Chính điều này sẽ khích lệ bạn trong công việc Chúa. Đấng ngự trong bạn lớn hơn những thế lực mờ tối trong thế gian. Chữ ‘tất cả’ thứ ba là ‘muôn dân’. Ngài mong muốn mọi người đều ăn năn không muốn ai phải chết mất. Chúa Jêsus phán: Hãy môn đệ hóa muôn dân và biến họ trở nên môn đồ Ta. Bạn cũng được Ngài giao cho một trọng trách quan trọng đó là không chỉ làm chứng đạo mà còn là môn đồ hóa hay Phúc Âm hóa muôn dân. Công việc này là một tiến trình chứ không phải là một sự kiện. Nó đòi hỏi bạn phải tốn tất cả: Thời gian, công sức, tiền bạc, nhất là một tâm tình như Đấng Christ đã có. Tôi thách thức bạn đi ra và môn đệ hóa họ. Tôi cũng đã và đang làm như vậy. Công việc truyền giáo là công việc thuộc linh. Nó không phải chỉ muốn là được hay có tiền là xong. Ao ước cũng cần, tiền bạc cũng thể thiếu nhưng trước hết đây là công việc cần có sự hiện diện của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. ‘Hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ’. Một trong những giáo lý quan trọng của Cơ Đốc Giáo là giáo lý Ba Ngôi. Bạn không thể nào quên được điều này. Có Ba Ngôi Đức Chúa Trời nhưng Ba Ngôi hiệp một cũng giống như nước có ba thể rắn, lỏng, khí mà chỉ có chung một công thức H2O. Và dạy họ ‘tất cả’ những điều mà Chúa Jêsus đã truyền cho chúng ta. Vì sự công bình của chúng ta không trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì chúng ta chắc không vào nước thiên đàng. Hiển nhiên, chúng ta được cứu không phải là bởi luật pháp hay làm điều lành nhưng là bởi ân điển và đức tin nơi Cứu Chúa Jêsus Christ chúng ta. Mặt khác, chúng ta đã được rỗi mà còn đắm chìm trong tội lỗi thì ân điển bị khinh lờn. Có lẽ nào chúng ta muốn đóng đinh Chúa của chúng ta thêm một lần nữa? Không! Chúng ta thà làm đẹp lòng Đức Chúa Trời hơn là làm đẹp lòng người ta. Kết thúc phân đoạn Kinh thánh này bằng một lời nói khích lệ cho mỗi chúng ta: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế”. Mọi lúc bạn làm gì, mọi nơi bạn đến đều có sự hiện diện của Ngài. Ngài chính là chỗ kẻ đá vững an cho ai nương cậy. Tôi thách thức các bạn trở nên những môn đồ trung tín của Đức Chúa Jêsus Christ, mời Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong công tác cho người chưa được cứu, sử dụng tất cả những gì mình có cho việc truyền giáo và hãy lợi dụng thì giờ vì những ngày là rất xấu. Nguyện Chúa đầy ơn cho các bạn. Amen.
Đạo nào cũng là đạo: câu trả lời hoàn toàn sai khi mà mọi người chẳng hiểu gì về niềm tin (tôn giáo) của mình. Nó giống như xe nào cũng là xe, rồi xe đó có đưa bạn đến đích mà bạn mong muốn không?? Xe nào cũng là xe, xe nào cũng tốt, cũng chạy một tuyến đường, nhưng nó sẽ đi vào ngã rẽ cho cuộc sống vĩnh cửu, bến bờ bình an mà trong kinh thánh (lời của Đức Chúa Trời) thường đề cập đến.
Các giáo chủ đời nầy thường chỉ hướng cho chúng sinh tự đi tìm chân lý hoặc bảo hãy tự thắp đuốc mà đi, nhưng Chúa Cứu thế Giê-xu thì tuyên bố rõ: “Ta là con đường, chân lý và nguồn sống. Nếu không nhờ Ta, không ai đến được với Cha” (giăng 14:6).
Kinh Thánh chép: “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công vụ 4:12)
Có nhiều người Việt Nam muốn trở lại cùng Chúa nhưng còn ngại ngùng vì một vài mối lo sợ không chánh đáng. Chẳng hạn, sợ thần linh hoặc ông bà trách phạt, sợ người ta nói mình không trung thành với tôn giáo cũ, sợ bạn bè cho mình yếu đuối, sợ tội lỗi nhiều không biết Chúa có tha không, sợ theo Chúa thì đành bỏ hết những thú vui tạm bợ trần gian...
Nhưng thưa quí vị,
Chúng ta trở về với Đức Chúa Trời là Cha, là Đấng Tối Cao thì còn sợ ai? Ngài sẽ tiếp đón, bảo vệ và dìu dắt chúng ta đi. Còn gì phước hạnh hơn khi tội chúng ta được Chúa tha, linh hồn được Chúa cứu. Trái lại còn gì khủng khiếp hơn khi lìa đời kêu: “Ta không hề biết ngươi” (Ma-thi-ơ 25:12), hoặc “Hãy quăng nó ra ngoài là nơi có khóc lóc và nghiến răng” (Ma-thi-ơ 25:30).
Chúa Giê-xu từng cảnh cáo: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì được ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại” (Ma-thi-ơ 16:26)
Có nhiều người Việt Nam hiện không thiếu gì về phương diện vật chất, nhưng phần tâm linh thì khô khan, trống vắng, đời sống không thấy ý nghĩa. Xin hãy nghe Chúa Giê-xu mời gọi: “Những ai đang mệt nhọc và gánh nặng ưu tư, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các con được nghĩ ngơi. Ta có lòng khiêm tốn, dịu dàng; hãy mang lấy ách với Ta và học theo Ta, các con sẽ được an nghĩ trong tâm hồn. Vì ách Ta êm dịu và gánh Ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30)
Chúa Giê-xu cho biết khi một người từ bỏ con đường lầm lạc mà quay về cùng Chúa thì cả thiên đàng sẽ vui mừng: “Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên sứ của Đức Trời cũng vậy, sẽ mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn” (Lu-ca 15:10). Đặc biệt nhất là mọi người thật lòng trở về cùng Chúa đều hưởng được sự bình an, vui mừng khôn xiết. Kinh Thánh chép về người thâu thuế thành Giê-ri-cô là Xa-chê, người cai ngục thành Phi-líp, người đội trưởng quân độ La-mã ở thành Sê-sa-rê... họ đều cùng với gia đình mình mở tiệc ăn mừng vì được trở lại cùng Chúa. Kinh Thánh cũng chép người phụ nữ Sa-ma-ri đã hớn hở giới thiệu Chúa cho toàn thể đồng hương của mình sau khi được gặp Chúa.
Kinh Thánh còn mô tả phước hạnh của người quay về cùng Chúa chẳng khác nào người tìm được kho báu, người con đi hoang trở về được cha tiếp đón, người mù được sáng, người nô lệ được tự do, người mắc nợ lớn được tha, người chết được sống lại. Niềm vui này cũng rất thật và sâu sắc đối với hàng tỉ người đang theo Chúa trên khắp thế giới ngày nay.
Rất mong chính bạn cũng từng trải được kinh nghiệm bình an vui thỏa này trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Tại sao người tin lành không thờ cúng ông bà?
1- Không lập bàn thờ thờ người chết. Vì điều răn thứ 2 Đức Chúa Trời cấm thờ hình tượng. Hình cha mẹ là một kỷ vật để nhớ, được treo trên tường hoặc bảo tồn trong album để nhớ. Hình ảnh được vẽ trên giấy, tất nhiên là không nói chuyện được với hình ảnh. Cho nên, không thực hành những điều không đúng với chân lý.
2- Không cúng giỗ: Để giải đáp câu hỏi này chứng nhân phải dùng luật đạo đức, chữ hiếu của lương tâm. Ông bà, cha mẹ than phiền về tình trạng bất hiếu của con đối với cha mẹ, một hành động bị lên án là bất hiếu từ ngày xưa đến nay rằng: "Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi". Người Tin Lành vâng lời ông bà cha mẹ: lúc sống phải phụng dưỡng, đối xử tôn kính, trân trọng. Khi ông bà chết chỉ là làm văn tế ruồi, cho nên người Tin Lành không cúng sau khi chết.
- Khi cha mẹ qua đời, con cái phải chôn cất tử tế. Chỉ sống làm sao để lại tiếng thơm cho cha mẹ. "Vật chết để da, người ta chết để tiếng". Sau khi cha mẹ mất, anh em phải biết yêu thương nhau.
Lý do tại sao không cúng cho cha mẹ hay người chết:
Con người được cấu tạo bởi 2 phần: Thể Xác và Linh Hồn.
1.THỂXÁC:
Về thể xác bằng bụi đất sau khi qua đời cát bụi sẽ trở về với cát bụi: Nhu cầu ăn uống, mặc, nhà ở, tiền là chỉ đáp ứng khi người còn sống, có thể xác. Vì thức ăn là cung cấp chất đạm, vitamin, chất protic, canxi… là để giúp cho tế bào, xương cốt, máu huyết tăng trưởng. Khi cơ thể bị bệnh thì không ăn được. Chết tức là thể xác sẽ bị tiêu hủy ra đất. Cho nên, việc đáp ứng cho nhu cầu thể xác không cần nữa. Chính vì vậy, việc cúng giỗ, đốt vàng mã chỉ là làm văn tế ruồi!như ông bà tổ tiên đã nói.
+ Nếu làm linh đình sau khi cha mẹ chết không ích gì. (Khi cha sống tiếc từng đồng, không quan tâm. Lúc người qua đời, làm thịt gà, heo. Rồi mỗi năm mở tiệc, nhậu nhẹt linh đình là bất hiếu).
Thói thường người ta tổ chức giỗ gọi là trả nợ miệng thế gian, thì chẳng tình gì, ngày đó phải đến chia buồn chứ đâu phải đến ăn uống. Ngày giỗ là ngày kỵ cơm tức là không ăn vì đau buồn nhớ cha nhớ mẹ, nhớ người thân chứ đâu phải đến để ăn uống vui chơi.
+ Đốt vàng bạc, áo quần giấy là bất hiếu. Tại sao sống không lo may tặng cha mẹ để ông bà mặc. Chờ chết ra chợ mua thật nhiều áo giấy đốt để nói rằng gởi cho cha mẹ mặc. Chúng ta thường thấy những em bé cắt áo giấy mặt cho búp bê, chúng ta xem cha mẹ như búp bê sao?
Đốt nhà giấy làm sao ở được, gởi xe giấy không có máy làm sao chạy?, Đốt đô la âm phủ (Đô la giả). Chúng ta lấy10.000$vn ra chợ mua 1 tỷ đô la giả (ngân hàng âm phủ). Nếu là đô la thật thì sướng cả đời, nhưng chỉ là tiền giả. Nếu trên đời này sử dụng tiền giả chắc chắn phải bị ở tù, tại sao ta lấy tiền thật mua tiền giả, nhà giấy, xe giấy gởi cho bậc tiền nhân sử dụng gọi là có hiếu sao? Đó là sự lừa dối. Hành động như vậy là bất hiếu.
Có một số người con than phiền: năm nay cúng giỗ cha tốn mấy chỉ vàng, mượn danh cha mẹ để mọi người ăn uống chứ cha mẹ chết rồi đâu có ăn được. Có một chuyện thật xảy ra: khi 2 vợ chồng tổ chức giỗ cha của chồng. Họ không có tiền phải đi vay, sau 1 năm không trả nổi, chủ nợ đòi. Người chồng đánh vợ sao không trả tiền cho người ta. Người vợ chạy ra đường đứng chửi: “Giỗ cha ông chứ giỗ gì tôi mà bắt tôi trả!?” Có một số người tranh chấp vì góp tiền ít, anh em cãi nhau. Làm sỉ nhục cha mẹ đã quá cố: Đó là bất hiếu.
+ Không cúng ông bà bắt, quở, hại mạt nhà ... Nếu cúng thì ông bà cha mẹ sẽ về phù hộ, làm ăn khấm khá. Như vậy là gieo tiếng ác cho cha mẹ sao? Cha mẹ thương con chứ đời nào ghét. Sống không phụng dưỡng vẫn thương con, dù rằng có những người con đối xử với cha mẹ một cách tệ bạc. Vả lại, cha mẹ đã cố công nuôi con lớn lên, trưởng thành, cha mẹ nào không muốn con giàu, nhưng sức người có hạn. Khi qua đời rồi đâu còn giúp được con. Người con có ý tưởng như vậy là chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình, thật ích kỷ. Mọi người đều biết: “phú quí tại Thiên” chỉ có Trời phù hộ.
2. LINH HỒN NGƯỜI CHẾT:
Người thế gian tin rằng: sau khi chết linh hồn con người thành ma, nên mọi người thường gọi là đám ma, nếu không cúng thì trở thành ma đói, ma cô. Có người phải nhờ đến thầy bùa, thầy phù thủy cúng ém bùa để hốt hồn ma vì sợ hồn ma còn ở trong nhà sẽ quậy phá. Tin như vậy là xúc phạm đến nhân phẩm và bất hiếu đối với các bậc tiền nhân. Lẽ nào khi cha còn sống thì gọi: “thưa cha”, nhưng khi người vừa qua đời thì thành “con ma”. Mọi người gọi là đi đám ma (đám con ma).?! Chứ khơng phải là đám tang cha. Chúng ta thường nói “đồ ma” là loại người “đầu trộm đuôi cướp”. Loại người không ra gì. Tại sao chúng ta dám xúc phạm bậc sinh thành của mình như vậy?!!!
Lời Chúa dạy linh hồn con người rất quý trọng, thiêng liêng. Khi Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên hình người và hà sinh khí vào mũi khiến người trở nên loài sanh linh. Cho nên linh hồn mọi người thuộc về Đức Chúa Trời, sau khi chết linh hồn con người trở về với Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó ra. (Truyền đạo 12:6,7). Đức Chúa Trời phán rằng: “Nầy, mọi linh hồn đều thuộc về ta, linh hồn cha cũng như linh hồn con, đều thuộc về ta..”(Ê xê-chi-ên 18:4) Niềm tin của lương tâm: “Sống nhờ Trời, chết chầu Trời” “Trời gọi ai nấy dạ” ; “ Sống gởi, thác về” “ Lá rụng về cội”. Như vậy rõ ràng linh hồn của con người sau khi chết phải trở về với Đức Chúa Trời là cội nguồn. Linh hồn của con người sau khi chết vẫn tồn tại vĩnh hằng. Thân thể bằng bụi đất sẽ trở về với cát bụi.
Nguồn gốc của ma quỉ mà Kinh thánh cho biết đó là Thiên sứ trưởng Luxiphe phạm tội kiêu ngạo, kéo theo những thiên sứ sa ngã, trở thành một thế lực tà linh vô hình, chống nghịch lại với Đức Chúa Trời. ( Êsai 14:122-15 ; II Phierơ2:4 ).
+ Nếu thờ cha mẹ chỉ còn lại hình tượng là phạm điều răn I và II của Đức Chúa Trời. Hình chỉ là vật kỷ niệm, được treo lên tường hoặc giữ trong album để con cháu biết mặt ông bà cha mẹ. Hình đó không thể cầu nguyện hoặc hưởng được mùi nhang, ăn được những thức ăn cúng và không nhìn thấy gì. Cho nên, Người Tin Lành phải hiểu lẽ thật và phải bỏ mê tín, dị đoan, những điều giả dối.
+ Chỉ thờ cha mẹ mà không thờ Đức Chúa Trời là bỏ ông bà. Vì mỗi đời người ta bỏ bớt. Con chỉ thờ cha, hoặc 3 đời còn đời thứ 4 ai thờ phụng? Có người thờ đến 10 đời còn đời 11 ở đâu? Vậy, thờ Đức Chúa Trời là thờ tận gốc, Đấng sinh ra loài người (Thiên sinh nhân), Đấng sinh ra mọi vật trong trái đất cho con người sống và hưởng thụ.
Ví dụ: Khi trồng cây, người ta tưới nước ở gốc thì có ảnh hưởng đến toàn cây đó. Không thể tưới nhánh hay lá.
Ca dao Việt Nam có câu: “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” (Cha mẹ nhờ Trời nuôi con, con cũng nhờ Trời mà lớn, nếu mạng của con Trời định 5 tuổi, 10 tuổi quy Thiên thì cha mẹ có vàng bạc cũng không giữ được mạng con). Cho nên, là người phải tưởng nhớ ĐẤNG TẠO HÓA là Đức Chúa Trời (Thiên Đạo) và phải làm trọn đạo làm người với người ( Nhân Đạo).
Vậy nên, trên hết con người phải biết ơn, tôn thờ Đức Chúa Trời, Đấng Tối Cao đó. Trong đạo của Ngài, Chúa tha tội và giúp chúng ta hiểu và làm trọn đạo chữ hiếu đối với cha mẹ, đi trong con đường sáng, văn minh, không mê tín dị đoan.
|
|